Khi điền mẫu “sơ yếu lý lịch” để xin việc làm, chúng ta sẽ cần phải cung cấp thông tin về trình độ văn hoá. Vậy trình độ văn hoá là gì? Cách ghi trình độ văn hoá như thế nào là chuẩn? Tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để có câu trả lời chính xác nhé.

Trình độ văn hoá là gì?

Trình độ văn hoá là một cụm từ nghe có vẻ quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết định nghĩa chính xác của nó. Cho nên, để hoàn thiện được sơ yếu lý lịch một cách chuẩn xác bạn cần phải biết trình độ văn hoá là gì.

Trình độ văn hoá là một thông tin quan trọng trong sơ yếu lý lịch 
Trình độ văn hoá là một thông tin quan trọng trong sơ yếu lý lịch

Trong lĩnh vực giáo dục và việc làm, trình độ văn hoá là thuật ngữ chỉ cấp độ học tập của cá nhân tương ứng với các cấp bậc học gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trình độ văn hoá thường xuất hiện trong sơ yếu lý lịch và các giấy tờ văn bản có yêu cầu khai báo thông tin cá nhân của người thực hiện.

Thực tế, khái niệm văn hoá có hàm nghĩa rất rộng , bao gồm cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Do đó, định nghĩa trình độ văn hóa trong đơn xin việc, trong sơ yếu lý lịch được nhận định là phiến diện, thiếu sự khách quan. Trình độ văn hoá không nên bị đánh đồng với trình độ giáo dục, trình độ học vấn. 

Lý do khái niệm trình độ văn hóa trong đơn xin việc bị cho là phiến diện là vì trong thực tế, học vấn cao chưa chắc đã có trình độ văn hoá cao. Một số người còn bị cho là thiếu văn hoá, vô văn hoá dù trình độ học vấn cao.  

Lý do cần có trình độ văn hóa trong sơ yếu lý lịch

Trình độ văn hoá và trình độ học vấn là thông tin cá nhân quan trọng cần phải có trong sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, giấy tờ khai thông tin. Nó giúp người đọc nắm được trình độ giáo dục của cá nhân nào để để ra các quyết định như tuyển dụng, xác định mức lương, cấp học bổng, đào tạo và nâng cao bậc học,…

Cách ghi trình độ văn hoá chuẩn xác nhất

Cách ghi trình độ văn hoá

Tuy rằng vẫn có sự bất cập khi đánh đồng trình độ văn hoá với trình độ học vấn, nhưng khi nó xuất hiện trên giấy tờ thì bắt buộc chúng ta phải kê khai rõ ràng, chính xác. Vậy trình độ văn hóa ghi như thế nào thì đúng quy định? Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách điền trình độ văn hoá trong các loại giấy tờ.

Trong các loại giấy tờ nếu có yêu cầu điền “trình độ văn hoá” hay “trình độ học vấn” thì bạn hãy hiểu chúng là một và cách ghi đều giống nhau. Cá nhân đã học qua được cấp học nào thì phải ghi vào mục trình độ văn hoá hoặc trình độ học vấn tương ứng với cấp học đó. Người kê khai phải cung cấp bậc học cao nhất của mình.

Ví dụ:

  • Tốt nghiệp trung học cơ sở, học hết lớp 9 thì ghi trình độ văn hoá 9/12.
  • Tốt nghiệp trung học phổ thông, học hết lớp 12 thì ghi trình độ văn hoá 12/12.

Trình độ văn hóa 12/12

Một lưu ý nhỏ, hiện nay nước ta đang học hệ 12 năm, nhưng cách đây mấy chục năm nước ta học theo hệ 10 năm. Do đó, những lao động thuộc thế hệ 6x, 7x theo học hệ 10 năm sẽ khi ghi trình độ văn hoá là “…./10” (Ví dụ: 10/10).

Tốt nghiệp đại học thì ghi trình độ văn hoá ra sao?

Có một số người tốt nghiệp đại học ghi vào mục trình độ văn hoá là “đại học”. Cách ghi này là sai, vậy trình độ văn hoá đại học thi phải ghi như thế nào? Mục trình độ văn hoá chỉ được xét trên cấp bậc gồm mù chữ, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và không có các cấp bậc cao hơn như đại học, cao đẳng,… Do đó, nếu bạn đã học xong cao đẳng hay đại học thì cũng chỉ ghi là 12/12 thôi.

Đối với nội dung về chuyên ngành đào tạo, ví dụ cử nhân kinh tế, Thạc sĩ Luật, Tiến sĩ Xã hội học,… thì sẽ được ghi tại mục trình độ chuyên môn. Mục này cũng thường có sẵn trong sơ yếu lý lịch và các loại giấy tờ thông tin cá nhân khác.

Xem bài viết liên quan: 

Phân biệt một số thuật ngữ về trình độ trong sơ yếu lý lịch

Để giúp bạn hiểu hơn trình độ văn hoá là gì và không bị nhầm lẫn nó với một số thuật ngữ khác có trong sơ yếu lý lịch, bài viết sẽ giải thích một số khái niệm về trình độ xuất hiện trong sơ yếu lý lịch sau:

Trình độ chuyên môn

Trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn là hai mục luôn xuất hiện trong sơ yếu yếu lý lịch. Trình độ chuyên môn là khái niệm về khả năng ứng dụng những kiến thức lý thuyết vào trong thực tiễn để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nhất định. Ví dụ như các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,…

Bên cạnh đó, người khai cần phải ghi rõ về ngành nghề đào tạo cùng cấp bậc chuyên môn cao nhất mà mình đạt được. Ví dụ: Cử nhân báo chí, Thạc sĩ quản trị kinh doanh, Tiến sĩ Luật,…

Trình độ chuyên môn là thuật ngữ thường xuyên xuất hiện cạnh trình độ văn hoá
Trình độ chuyên môn là thuật ngữ thường xuyên xuất hiện cạnh trình độ văn hoá

Trình độ ngoại ngữ

Trình độ ngoại ngữ cũng là một yếu tố được quan tâm trong thời đại ngày nay. Đây là thuật ngữ chỉ mức độ về khả năng sử dụng ngoại ngữ phục vụ cho công việc, đời sống,… Trong thời đại hội nhập quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố giúp con người mở rộng cơ hội việc làm. Đối với trình độ ngoại ngữ bạn điền vào mục này là tên các chứng chỉ ngoại ngữ của bản thân, ví dụ như IELTS, TOEFL, TOEIC.

Trình độ lý luận chính trị 

Đây là một định nghĩa về nền tảng kiến thức, khả năng ứng dụng hệ thống kiến thức chính trị về những thông tin liên quan đến Đảng, giai cấp,… Hiện nay, trình độ lý luận chính trị được phân thành ba mức cơ bản là Sơ cấp, Trung cấp và cao cấp. Thông thường, mục này không bắt buộc phải điền trong bản sơ yếu lý lịch. Bạn có thể lựa chọn bỏ qua mục này. 

Trên đây, bài viết đã giải đáp thắc mắc của bạn về định nghĩa trình độ văn hoá là gì và cách ghi trình độ văn hoá. Ghi chuẩn xác sơ yếu lý lịch sẽ khiến bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Mong rằng những thông tin này sẽ góp phần giúp bạn có được một bản sơ yếu lý lịch chính xác.

Nguồn bài viết: mayruaxemini.vn