Ngữ pháp Việt Nam luôn vô cùng phong phú, đa dạng. Đơn vị cấu thành câu là các từ loại. Đây là một phần kiến thức vô cùng quan trọng trong môn tiếng Việt đối với học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Từ loại là gì? Cách xác định các từ loại ra sao? Bài viết dưới đây sẽ gợi lại cho bạn những kiến thức về từ loại.
1. Từ loại là gì?
Từ loại là những từ được phân ra thành từng loại dựa theo sự giống nhau về đặc điểm ngữ pháp. Những từ có chung đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa khái quát sẽ được phân thành một nhóm.
Hiện nay, từ loại trong tiếng Việt cũng rất phong phú. Từ những từ loại quen thuộc như danh từ, động từ, tính từ, đại từ, quan hệ từ. Thì cũng có những từ loại ít gặp hơn như số từ, phụ từ, tình thái từ,…
2. Các từ loại tiếng Việt
2.1. Danh từ
Đây là một trong những từ loại được sử dụng nhiều nhất trong văn học và trong đời sống. Danh từ là những từ dùng chỉ sự vật, hiện tượng, người, khái niệm, đơn vị. Ví dụ: mưa, nắng, thủy triều, hạn hán,… (danh từ chỉ hiện tượng); đạo đức, cách mạng, người,… (danh từ chỉ khái niệm); cái, mét, kilogam, mớ,… (danh từ chỉ đơn vị). Hiện nay, từ loại danh từ được phân ra làm 2 loại là danh từ chung và danh từ riêng.
Danh từ chung là những từ được sử dụng để gọi chung tên của các sự vật, hiện tượng. Trong danh từ chung lại chia ra 2 loại: danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng. Trong đó:
- Danh từ cụ thể là để chỉ các sự vật mà ta có thể nhìn bằng giác quan. Ví dụ như bút, vở, bàn, ghế,…
- Danh từ trừu tượng là các danh từ không cảm nhận được bằng giác quan. Ví dụ: ý nghĩa, cách mạng, trạng thái, tinh thần, niềm vui…
Danh từ riêng là tên riêng của một sự vật như tên người, tên địa danh, danh nhân lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa phương,… Một số ví dụ cụ thể để các bạn hiểu rõ hơn về danh từ:
- Danh từ chỉ người: Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Hồng, Đỗ Minh Hải,…
- Danh từ chỉ địa phương: Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An,…
- Danh từ chỉ địa danh: Hồ Tây, Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng,…
- Một số danh từ đặc biệt như Người, Bác Hồ,…
Dấu hiệu nhận biết từ loại danh từ được xem là đơn giản nhất. Đặc biệt là danh từ riêng. Bởi các danh từ riêng luôn viết hóa. Dựa vào yếu tố này kết hợp với định nghĩa có thể dễ dàng biết được đó có phải là danh từ không
2.2. Động từ
Động từ là những từ được sử dụng để chỉ trạng thái, hoạt động của sự vật. Động từ chỉ trạng thái là những động từ chỉ cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm, tình trạng của con người, sự vật, hiện tượng. Động từ chỉ hoạt động mà những động từ dùng để chỉ các hoạt động của con người, sự vật, hiện tượng. Ví dụ:
- Động từ chỉ hoạt động: bơi, nhảy, đàn hát, múa,…
- Động từ chỉ trạng thái: vui, hờn, ghen, còn, hết, thua, được, bị,…
Đặc biệt, có một điều cần chú ý khi sử dụng từ loại động từ chỉ trạng thái trong tiếng Việt. Động từ chỉ trạng thái không kết hợp được với từ “xong” trong khi động từ chỉ hành động lại thường xuyên kết hợp với từ này. Ví dụ, có thể nói “ăn xong”, “tập tạ xong” (ĐT hoạt động) nhưng không thể nói “buồn xong”, “kính trọng xong” (ĐT trạng thái).
2.3. Tính từ
Tính từ là những từ được sử dụng để miêu tả đặc điểm hoặc tính chất của sự việc, sự vật, hoạt động, trạng thái,… Có hai loại tính từ là tính từ chỉ tính chất chung không mức độ và tính từ chỉ tính chất có xác định mức độ. Ví dụ, tình từ không mức độ là “vắng”, tính từ chỉ tính chất có xác định mức độ (mức độ cao nhất) là “vắng tanh”.
Xác định từ loại tính từ chỉ đặc điểm, tính từ chỉ tính chất dựa vào khái niệm của từng loại tính từ. Cụ thể:
- Tính từ chỉ đặc điểm là những từ chỉ những nét riêng biệt, vẻ đẹp riêng của sự vật nào đó. Đặc điểm có thể là những đặc điểm bên ngoài, ngoại hình có thể nhìn thấy, sờ nắm được (cao, thấp, rộng, xanh, đỏ,…). Hoặc cũng có thể là đặc điểm về tâm sinh lí, tính cách, giá trị đồ vật,… (tốt, chăm chỉ, bền bỉ, hiền lành, nhân hậu,…)
- Tính từ chỉ tính chất là những đặc điểm riêng của của sự vật, hiện tượng (hiện tượng xã hội, hiện tượng cuộc sống,…). Đây là những đặc điểm bên trong, không thể quan sát trực tiếp được mà phải thông qua quá trình suy luận. Ví dụ: Hiệu quả, sâu sắc, nông cạn, xấu xa,…
Đáng lẽ, sẽ có một từ chỉ trạng thái nữa. Từ chỉ trạng thái là tình trạng của một con người, sự vật tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Xét về mặt từ loại, từ chỉ trạng thái có thể là tính từ hoặc động từ. Cũng có thể nó là một từ trung gian mang đặc điểm của cả tính từ và động từ. Tuy nhiên, trong chương trình về từ loại tiếng Việt lớp 5 đã quyết định xếp từ này vào nhóm động từ để học sinh dễ phân biệt. Ví dụ: Quang cảnh yên tĩnh quá, người bệnh đang hôn mê,…
2.4. Đại từ
Đại từ là từ để trỏ người, sự vật, hiện tượng cụ thể, có hoặc không có hạn định. Nó được sử dụng để có thể thay thế cho một danh từ, động từ, tính từ,… Đại từ dễ khiến mọi người nhầm lẫn với danh từ. Vì vậy, các bạn phải nắm rõ kiến thức để có cách nhận biết từ loại đại từ chính xác. Đại từ chia thành 5 loại đại từ cụ thể là đại từ nhân xưng, đại từ nghi vấn, đại từ thay thế, đại từ chỉ lượng, đại từ phiếm chỉ. Trong chương trình tiếng Việt lớp 5 chỉ đề cập đến 3 loại đại từ là:
2.4.1. Đại từ nhân xưng
Đại từ nhân xưng được dùng để thay thế danh từ, động từ, cụm danh từ,…. chỉ người hoặc vật khi không muốn trùng lặp, nhắc lại. Nó được chia thành 3 ngôi: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba. Trong đó:
- Ngôi thứ nhất: chỉ người nói. Ví dụ: tôi, tớ, chúng ta, chúng tôi,…
- Ngôi thứ hai: chỉ người nghe. Ví dụ: cậu, các cậu,…
- Ngôi thứ ba: là người không có mặt trong cuộc trò chuyện nhưng được ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai nhắc đến. Ví dụ: hắn, nó, bọn chúng,…
2.4.2. Đại từ để hỏi
Đây là từ dùng để hỏi nguyên nhân, lý do hay kết quả của sự việc, hành động. Đại từ để hỏi hay còn gọi là địa từ nghi vấn vì nó sử dụng câu nghi vấn để hỏi chứ không dùng câu khẳng định hay câu trả lời. Đại từ để hỏi chia làm 2 loại là đại từ để hỏi người và vật (ai, gì, sao, đâu,…) và đại từ để hỏi số lượng (bao nhiêu, bấy nhiêu,…).
2.4.3. Đại từ thay thế
Trong hệ thống từ loại tiếng Việt, đại từ thay thế được dùng để thay thế các sự vật, hiện tượng được nhắc đến trước đó mà không muốn nhắc lại trong câu sau. Ví dụ như ấy, thế, kia, nọ, này,…
2.5. Quan hệ từ
Quan hệ từ là từ nối các từ trong câu, các câu trong đoạn với nhau. Nhằm thể hiện mối quan hệ giữa các từ ngữ hoặc các câu với nhau. Tóm lại, nó có công dụng kết nối các thành phần trong câu, các câu trong đoạn văn.
Các từ loại trong tiếng Việt đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong câu. Tuy nhiên, quan hệ từ có một vai trò vô cùng đặc biệt. Nó như là cầu nối giúp các từ liên kết với nhau, các câu nối liền với nhau. Từ đó, hình thành nên các câu văn, đoạn văn đạt hiệu quả truyền đạt cao.
Quan hệ từ cũng vô cùng đa dạng, bao gồm quan hệ từ so sánh, quan hệ từ sở hữu, quan hệ từ nhân quả, quan hệ tương phản, quan hệ định vị, quan hệ mục đích,… Ví dụ một số quan hệ từ thường gặp như của, như, và, nhưng, mà, ở, với, bằng,… Ngoài ra, còn có các cặp quan hệ từ: vì – nên, nếu – thì, tuy – nhưng, không chỉ – mà còn,….
Trong một số trường hợp bắt buộc phải sử dụng quan hệ từ nếu không sẽ làm thay đổi nghĩa của câu. Ví dụ: “Hôm nay, tôi đi làm bằng xe máy” nếu bỏ quan hệ từ “bằng” câu sẽ thành “hôm nay, tôi đi làm xe máy”. Hai câu sẽ có nghĩa hoàn toàn khác nhau, nghĩa gốc sẽ bị thay đổi.
Các từ loại rất phong phú và đa dạng. Trong tiếng Việt còn rất nhiều từ loại như: chỉ từ, tình thái từ, phó từ, lượng từ, số từ,… Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến những từ loại được sử dụng phổ biến. Đồng thời, trong chương trình tiếng Việt lớp 5 chỉ bao gồm những từ loại này.
Xem thêm:
- Trợ từ là gì? Thán từ là gì? Ví dụ #CHUẨN XÁC nhất hiện nay
- Tiếng lóng là gì? Ý nghĩa những tiếng lóng của giới trẻ Việt Nam
3. Cách phân biệt danh từ, động từ, tính từ để tránh nhầm lẫn
Có nhiều từ ngữ khó phân biệt từ loại, dễ lẫn lộn. Trong trường hợp này, chúng ta thường dùng các phép liên kết, kết hợp với các phụ từ. Mỗi từ loại sẽ có khả năng kết hợp khác nhau. Cụ thể:
3.1. Đối với danh từ
- Danh từ có khả năng kết hợp với các từ chỉ số lượng (mọi, hai, ba, những, các,…) ở phía trước. Ví dụ: mọi công dân, các học sinh, những khái niệm,…)
- Danh từ có khả năng kết hợp với các từ chỉ định (này, kia, nọ, đó,…) ở phía sau. Ví dụ: khái niệm này, học sinh kia, tư tưởng đó,…
- Danh từ có thể tạo ra câu hỏi với từ nghi vấn “nào”. Ví dụ: thời gian nào, địa điểm nào,…
- Chức năng ngữ pháp thay đổi làm thay đổi từ loại của từ. Ví dụ: Sạch sẽ là mẹ sức khỏe (sạch sẽ là tính từ, đưa lên làm chủ ngữ đã trở thành danh từ.
3.2. Đối với động từ
- Động từ có khả năng kết hợp với các phụ từ mệnh lệnh (hãy, chớ, đừng,…) ở trước. Ví dụ: hãy hát, chớ ăn vụng, đừng dẫm chân,…
- Động từ có khả năng tạo câu hỏi bằng cách đặt thêm từ “bao giờ”, “bao lâu” ở phía sau. Ví dụ: chạy bộ bao lâu, hành động bao giờ,… Tính từ không có khả năng này. Không thể “tốt bụng bao lâu”, “tốt bụng bao giờ” được.
3.3. Đối với tính từ
Tính từ có khả năng kết hợp được với các từ chỉ mức độ (rất, hơi, quá, lắm, vô cùng,…). Ví dụ: rất nhanh nhẹn, đẹp quá, hơi kì cục,… Tuy nhiên, có một lưu ý là các động từ chỉ cảm xúc (trạng thái) như: yêu, ghét, xúc động,… cũng kết hợp được với các từ chỉ mức độ. Vậy làm cách nào để phân biệt động từ chỉ cảm xúc với tính từ?
Nếu băn khoăn, phân vân từ nào đó là động từ hay tính từ thì bạn có thể kết hợp thử với các từ mệnh lệnh: hãy, đừng, chớ,… Kết hợp được thì đó sẽ là động từ. Ví dụ, nhiều người phân vân từ “âu yếm” là từ loại gì? Nó là tính từ hay động từ bởi nó có đầy đủ tính chất của cả tính từ và động từ?
Bạn hãy đưa từ âu yếm vào các cách phân biệt này để biết kết quả. Chúng ta vẫn có thể kết hợp “đừng âu yếm”, “hãy âu yếm”. Vì vậy, “âu yếm” là một động từ chỉ trạng thái.
Ngoài cung cấp cho bạn từ loại là gì? Tiếng Việt có những từ loại nào? Bài viết còn chia sẻ cho bạn cách để xác định một từ thuộc từ loại nào khi đó là một từ dễ gây nhầm lẫn. Chắc chắn đây sẽ là một kiến thức rất bổ ích.
4. Bài tập ôn tập về từ loại tiếng Việt
Những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ củng cố thêm kiến thức về từ loại cho các bạn học sinh. Tuy nhiên, chỉ học lý thuyết xuông thôi là chưa đủ. Chúng ta cần phải vận dụng vào bài tập để ghi nhớ lâu hơn, phân biệt từ loại một cách nhuần nhuyễn hơn. Dưới đây là một số bài tập về từ loại tiếng Việt xuất hiện trong chương trình lớp 5 để bạn có thể thực hành:
Bài tập 1: Tìm các danh từ trong bài thơ dưới đây và xếp vào các nhóm danh từ:
Vui sao khi chớm vào hè
Xôn xao tiếng sẻ, tiếng ve báo mùa
Rộn ràng là một cơn mưa
Trên đồng bông lúa cũng vừa uốn câu.
(Trần Đăng Khoa)
– Danh từ chỉ sự vật
– Danh từ chỉ hiện tượng
– Danh từ chỉ khái niệm
– Danh từ chỉ đơn vị
Bài tập 2: Tìm từ không cùng nhóm với các từ còn lại:
- viết, đọc, vui, thêu, đan, vẽ, hát, múa
- chạy, giặt, mệt, tìm, xếp, dọn, nhảy, quét
- khâu vá, cày, uống, nấu, cấy, lúa, ăn
- nghe, ngâm, nghĩ, việc, nhìn, ngủ, lo, đoàn
Bài tập 3: Tìm tính từ thích hợp với mỗi chỗ trống trong câu.
- Trăng đêm rằm… vằng vặc.
- Cánh đồng mùa gặt.. rực.
- Toà nhà mới xây……ngất trời,
Trước khi xem đáp án hãy hoàn thành trước nhé. Những bài tập này sẽ giúp bạn ôn tập lại về từ loại được học trong chương trình lớp 5. Sau khi hoàn thành hãy so sánh với đáp án chính xác bên dưới.
Đáp án:
Bài tập 1: Các danh từ trong bài thơ được phân loại như sau:
- Danh từ chỉ sự vật: tiếng, sẻ, ve, đồng, lúa, câu
- Danh từ chỉ hiện tượng: mưa
- Danh từ chỉ khái niệm: hè, mùa
- Danh từ chỉ đơn vị: cơn, bông
Bài tập 2: Các từ không cùng nhóm với các từ còn lại là:
- vui
- mệt
- lúa
- việc
Bài tập 3:
- sáng
- vàng
- cao
Toàn bộ bài viết đã gợi nhớ lại cho bạn kiến thức từ loại là gì? Cách nhận biết các từ loại? Đưa ra cho bạn những ví dụ minh họa cụ thể. Đồng thời, giúp bạn ôn tập lại kiến thức về từ loại thông qua một số bài tập. Hy vọng những kiến thức mà bài viết cung cấp sẽ hữu ích với bạn.
Nguồn bài viết: mayruaxemini.vn