Trong Phật Giáo, Bát Chánh Đạo được xem là con đường tu tập giúp cho các phật tử sớm thoát khỏi những trói buộc nơi trần tục và hướng tới sự giải thoát về miền an lạc. Vậy, Bát Chánh Đạo là gì? Bát Chánh Đạo gồm những gì? Tìm ngay đáp án cho những thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

Bát Chánh Đạo là gì?

Trong cuốn “Trái tim của Bụt” thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng: Bát Chánh Đạo giống như một con đường tu tập chính tông, có khả năng dẫn lối con người đến với sự giải thoát và an lạc. Đồng thời, thiền sư cũng đề cao vai trò của Bát Chánh Đạo trong quá trình con người học tập và tu tâm dưỡng tính.

Bát Chánh Đạo hay còn được gọi là Bát Chính Đạo, Bát Thánh Đạo. Từ “Bát” ở đây có nghĩa là tám, ý chỉ rằng con đường tu tập được chia làm 8 chi. 8 chi trong Bát Chánh Đạo gồm có: Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Ngữ, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn.

Sơ đồ bát chánh đạo
Sơ đồ bát chánh đạo

Theo các tài liệu Phật giáo, biểu tượng của Bát Chánh Đạo là chiếc bánh xe có 8 cái nan hoa. Trong tiếng Anh, Bát Chánh Đạo được viết bởi cụm từ “The Eightfold Path”. Cụm từ này được các thiền sư và phật tử sử dụng rất nhiều trong quá trình giảng dạy, tu tâm dưỡng tính.

Bát Chánh Đạo gồm những gì?

Bát Chánh Đạo gồm có 8 chi như sau:

Chánh Kiến

Chánh Kiến được xem là nhánh đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. “Chánh” ở đây có nghĩa là chân chính, đúng đắn. “Kiến” được hiểu là nhận thức. Như vậy, Chánh Kiến sẽ có nghĩa là nhìn nhận mọi sự việc dưới góc nhìn toàn diện và đúng đắn nhất. Chánh Kiến đề cao sự sáng suốt và thông tuệ.

Chánh Kiến - Chi đầu tiên trong Bát Chánh Đạo
Chánh Kiến – Chi đầu tiên trong Bát Chánh Đạo

Sở dĩ Chánh Kiến được xem là con đường tu tập đầu tiên trong Bát Chánh Đạo là vì để ngộ được đạo, con người phải nhận thức được thế giới quan và nhân sinh quan. Chánh Kiến có mối quan hệ mật thiết với cách con người nhận thức thế giới xung quanh. 

Chánh Kiến không dừng lại ở việc biết mà nó còn đòi hỏi con người phải thực sự hiểu. Chánh Kiến cũng mở ra con đường để lý giải rằng, chỉ khi tinh thần thông tuệ, người tu đạo mới nắm bắt được huyền cơ trong đạo và hiểu rõ thế nào là khổ, tập, diệt và đạo.

Chánh Tư Duy

Chánh Tư Duy là chi thứ 2 trong Bát Chánh Đạo, ám chỉ lối suy nghĩ chân chính phù hợp với luân thường đạo lý. Chỉ khi con người nhận thức được nhân sinh quan và thế giới quan thì mới có suy nghĩ đúng đắn về con đường cần đi. Vì thế, Phật giáo cho rằng, Chánh Tư Duy đạt được từ Chánh Kiến.

Chánh Tư Duy hướng con người suy nghĩ tích cực, thoát khỏi tà dâm, tham - sân - si
Chánh Tư Duy hướng con người suy nghĩ tích cực, thoát khỏi tà dâm, tham – sân – si

Chánh Tư Duy giúp cho con người chúng ta hiểu được vô minh, tham – sân – si là nguồn gốc của những khổ đau. Khi hiểu được điều này, chúng ta mới có thể tu tập thành công và tự giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc, tham niệm nơi trần tục.

Chánh Ngữ

Chi thứ 3 trong Bát Chánh Đạo là Chánh Ngữ. Chánh Ngữ ở đây biểu thị cho những lời nói ngay thẳng, chân thật. Chánh Ngữ lên án những lời nói dối trá, miệt thị có ác ý và phê phán những ai thêu dệt câu chuyện, sử dụng lời nói thô tục.

Rèn luyện Chánh Ngữ để nói ra những lời hay ý đẹp
Rèn luyện Chánh Ngữ để nói ra những lời hay ý đẹp

Trong cuộc sống lời nói có tác động vô cùng to lớn đến mọi người. Nếu lời nói mang tính chất động viên, khích lệ đúng lúc sẽ có thể cứu người. Nhưng những lời nói chỉ trích, đay nghiến cũng có thể là nguyên nhân khiến cho người nào đó phải đi đến bước đường cùng, tự kết liễu đời mình.

Tu tập Chánh Ngữ chính là học tập việc ăn nói ngay thẳng, thật thà và lời nói mang hàm ý tốt. Tu tập Chánh Ngữ còn thể hiện ở việc giảng giải lý luận Phật pháp và hỗ trợ người khác sớm giác ngộ được con đường đúng đắn.

Chánh Nghiệp

Nếu như Chánh Ngữ chú trọng về lời nói thì Chánh Nghiệp lại quan trọng ở hành động. Chánh Nghiệp đề cao những hành động sáng suốt. Luyện tập Chánh Nghiệp chính là học cách làm điều thiện, không sát sinh, không tà dâm, trộm cướp, chủ động làm mọi việc hợp với luân thường đạo lý.

Chánh Nghiệp hướng con người sống và hành động thiện lương
Chánh Nghiệp hướng con người sống và hành động thiện lương

Phật giáo chỉ rõ rằng, nguồn gốc của sự thù hận, luyến án, độc ác ở con người chính là do cái tâm tham – sân – si. Vì thế, khi chúng ta học cách làm việc thiện lương sẽ dần xóa bỏ được tạp niệm, không tham – sân – si. Từ đó, đời sống của bạn sẽ luôn được trong sạch, mọi người xung quanh cũng được hưởng phước báo.

Chánh Mạng

Từ “mạng” ở đây được hiểu là sinh mạng của mỗi một con người. Chánh Mạng đề cao sự bình đẳng của mọi người trong xã hội. Tu Chánh Mạng chính là luyện tập cách sống thiện lương, không làm điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, không nuôi mưu mô, thù hằn xâm hại đến mọi người.

Chánh Mạng cũng không khuyến khích con người theo nghiệp đồ tể hay những công việc tạo nghiệp xấu như buôn người, bán thuốc giả… Chánh Mạng hướng con người ta đến lối sống trong sạch, thiện lương và tránh xa những nghề nghiệp có thể tạo nghiệp xấu về sau.

Chánh Tinh Tấn

“Tinh Tấn” ở đây được hiểu là sự siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực. Chánh Tinh Tấn khuyến khích con người kiên trì theo đuổi con đường đúng đắn để gặt hái nhiều quả ngọt. Con người cần phải không ngừng nỗ lực và cố gắng để hoàn thiện được những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra từ trước.

Rèn luyện theo Chánh Tinh Tấn giúp bạn ngày càng chăm chỉ, kỷ luật bản thân, làm việc hiệu quả
Rèn luyện theo Chánh Tinh Tấn giúp bạn ngày càng chăm chỉ, kỷ luật bản thân, làm việc hiệu quả

Luyện tập chánh tinh thần chính là cách giúp bạn loại bỏ những thói hư, tật xấu, cố gắng trau dồi tri thức, phước đức để ngày càng hoàn thiện bản thân và sống cuộc đời tốt hơn. Việc tu tập Chánh Tinh Tấn cũng sẽ giúp bạn đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn.

Chánh Niệm

“Niệm” có nghĩa là cách suy nghĩ, ghi nhớ. Chánh Niệm được chia làm 2 phần là Chánh Ức Niệm và Chánh Quán Niệm. Chánh Ức Niệm nghĩa là những suy nghĩ về quá khứ. Chánh Quán Niệm là những quan sát ở hiện tại và nó có thể là sự bắt đầu của tương lai.

Theo các vị thiền sư, chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc
Theo các vị thiền sư, chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc

Chánh Niệm khuyên bảo con người cần phải tập trung ở thực tại, nhận thức chuẩn xác các suy nghĩ, hành động của bản thân. Đồng thời, bạn cần phải rèn luyện tư duy tốt để không dễ bị ngoại cảnh ảnh hưởng đến suy nghĩ và có những hành động sai lầm.

Chánh Định

“Định” trong Chánh Định được hiểu là thiền định. Chánh Định hướng con người đến những suy nghĩ cẩn trọng và hành động đúng đắn. Chân lý của Chánh Định chính là con người cần phải suy nghĩ thật thấu đáo, nhìn rõ mọi điều để đưa ra những quyết định đúng đắn, có lợi cho bản thân và không làm hại đến mọi người.

Bát Chánh Đạo và ứng dụng trong cuộc sống

Vạn vật trên thế gian đều tồn tại hai mặt song song và luôn có sự thay đổi. Cuộc sống của con người chúng ta cũng luôn tồn tại nhân quả và nghiệp báo. Tham – Sân – Si là nguồn gốc của mọi tội lỗi và sự độc ác. 

Con người chúng ta cần phải giữ cho tâm mình sạch, lòng mình trong thì mới kìm hãm được khởi sinh của sự độc ác. Học theo Bát Chánh Đạo sẽ giúp cho con người có một cuộc sống trong sạch, tích phúc đức và mọi người xung quanh cũng được hưởng phước báo.

Đồng thời nó cũng sẽ giúp con người giải thoát mọi sự khổ đau và tiến đến địa vị của sự giác ngộ. Trong Phật giáo, các bậc hiền, thánh thường nương theo 8 chi trong Bát Chánh Đạo để tới cõi Niết bàn, Phật quả.

Hình ảnh bánh xe Bát Chánh Đạo

Biểu tượng của Bát Chánh Đạo là bánh xe có 8 cái nan hoa. Trong Phật giáo, bất cứ phật tử nào cũng đều biết rằng, hình ảnh Bát Chánh Đạo này vô cùng thiêng liêng và có ý nghĩa to lớn. 

Hình ảnh bánh xe - Biểu tượng của Bát Chánh Đạo
Hình ảnh bánh xe – Biểu tượng của Bát Chánh Đạo

Nói về hình tượng bánh xe Bát Chánh Đạo, tác giả Thích Đồng Thành đưa ra nhận định rằng:

Cuộc đời của mỗi người giống như một bánh xe đang lăn đều. Chu vi của bánh xe lớn nhưng sự tiếp xúc của bánh xe với mặt đất rất nhỏ. Giá trị của sự vận hành bánh xe cũng vì thế mà không nằm ở những điểm đã đi qua mà tồn tại ở điểm đang tiếp xúc trong hiện tại. 

Trong đạo phật, điều này có nghĩa là con người cần phải trân trọng cuộc sống ở hiện tại. Những gì đã qua dù thất bại hay thành công đều chỉ là ký ức. HIện tại mới là thời khắc để bạn thể hiện sự sống đích thực.

8 chi trong Bát Chánh Đạo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trên con đường tìm đến sự an lạc, hạnh phúc, mỗi người phải hiểu rõ các chi trong Bát Chánh Đạo là gì? Sau đó, bạn cần thực hành thật tốt Bát Chánh Đạo, rèn thân – khẩu – ý. Có như vậy, bạn mới sớm loại bỏ tham – sân – si và chạm tới cánh cửa hạnh phúc.