So sánh là gì? So sánh là một trong số các biện pháp tu từ được dùng phổ biến trong văn chương và cuộc sống hàng ngày. Để hiểu chi tiết hơn về khái niệm, cấu tạo và các kiểu so sánh, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!

Phép so sánh là gì?

Theo định nghĩa trong Sách Giáo Khoa Ngữ Văn lớp 6 thì:

So sánh là biện pháp tu từ dùng để đối chiếu giữa 2 sự vật, sự việc khác nhau về tính chất nhưng lại có điểm tương đồng ở một khía cạnh nào đó. Từ đó làm tăng sức gợi hình gợi cảm trong quá trình diễn đạt.

Biện pháp tu từ này được sử dụng một cách rộng rãi trong văn học. Chúng ta cũng có thể dễ dàng phát hiện biện pháp tu từ này trong các cuộc giao tiếp hàng ngày.

Ví dụ:

Anh ấy đẹp trai như diễn viên Hàn vậy!

=> Tác giả so sánh “anh ấy” với “diễn viên Hàn” bởi có nét tương đồng là đẹp trai, sáng sủa, nhìn là mê.

so-sanh-la-bien-phap-tu-tu-pho-bien
So sánh là biện pháp tu từ phổ biến

Phép so sánh có tác dụng gì?

Trước hết, biện pháp tu từ so sánh giúp tăng thêm sức gợi hình gợi cảm trong quá trình diễn đạt cho tác giả. Thay vì phải đặc tả sự vật, sự việc theo cách thông thường, tác giả có thể dùng biện pháp so sánh để làm cho câu văn trở nên sinh động, cuốn hút và người nghe dễ hình dung hơn.

Bên cạnh đó, phép so sánh còn có tác dụng nhấn mạnh, làm nổi bật nội dung cần diễn đạt. Nhờ vậy, người đọc, người nghe sẽ chú ý hơn vào lời văn, câu nói của tác giả.

bien-phap-tu-tu-so-sanh-giup-dien-dat-tot-hon
Biện pháp tu từ so sánh giúp diễn đạt tốt hơn

Ngoài ra, bản chất của phép so sánh là đối chiếu giữa 2 đối tượng có nét tương đồng với nhau. Vì thế, thông qua biện pháp tu từ này, người đọc, người nghe sẽ dễ dàng liên tưởng và hình dung chi tiết hơn về các sự vật, sự việc. Đồng thời, họ cũng hiểu được ý nghĩa của cả lời văn ý thơ.

Dấu hiệu nhận biết phép so sánh là gì?

Phép so sánh trong các câu rất dễ nhận biết. Bạn có thể nhận biết qua một số dấu hiệu điển hình như:

  • Trong câu văn hoặc lời nói có xuất hiện các từ so sánh: như, là, tựa như, giống như, như là…
  • Nội dung của câu văn, lời nói có 2 đối tượng có cùng điểm tương đồng với nhau.

Ví dụ: Quê hương là đường đi học

=> Từ so sánh “là”. Ở đây tác giả đang so sánh quê hương với đường đi học. Ý nói quê hương là nơi quen thuộc, gần gũi, bình dị và gắn bó với chúng ta nhất.

Cấu tạo của phép so sánh

Cấu tạo đầy đủ của phép so sánh như sau:

Vế thứ nhất – phương tiện so sánh – từ so sánh – vế thứ 2.

Trong đó:

  • Vế thứ nhất là các sự vật, hiện tượng được dùng để so sánh
  • Vế thứ hai là các sự vật, hiện tượng được mang ra để so sánh cùng với sự vật, hiện tượng ở vế thứ nhất.
  • Phương tiện so sánh ở đây là những nét tương đồng giữa vế 1 và vế 2
  • Từ so sánh: tựa như, giống như, như là,…

Ví dụ:

Cô ấy xinh như nàng tiên

  • Vế thứ nhất: Cô ấy
  • Vế thứ 2: nàng tiên
  • Phương tiện so sánh: xinh
  • Từ so sánh: như

Lưu ý:

Trong thực tế, khi sử dụng biện pháp tu từ so sánh, người ta có thể lược bỏ phương tiện so sánh và từ so sánh. Lúc này, cấu tạo của phép so sánh sẽ là Vế thứ nhất – Vế thứ hai. Ví dụ: Chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Ngoài ra, trong một số trường hợp chúng ta có thể đảo từ so sánh với vế thứ hai lên đầu câu. Ví dụ: Như loài kiến, con người đều phải cần cù mới có cuộc sống tốt.

Xem thêm: Nhân hóa là gì? Tác dụng, ví dụ về biện pháp nhân hóa trong tiếng việt

Phân loại các kiểu so sánh

Ngoài việc tìm hiểu khái niệm biện pháp tu từ so sánh là gì bạn cũng cần phân biệt được các kiểu so sánh thường gặp. Có 2 kiểu so sánh phổ biến là: 

So sánh ngang bằng là gì?

So sánh ngang bằng là kiểu so sánh các sự vật, sự việc và hiện tượng có sự tương đồng với nhau. Tác dụng của biện pháp tu từ này là tìm ra các điểm giống nhau của sự vật hiện tượng để giúp cho người đọc, người nghe dễ hiểu và dễ hình dung hơn.

Các từ so sánh được sử dụng trong so sánh ngang bằng thường là tựa như, giống như, như là….

Ví dụ: 

Điểm của Lan bằng điểm của tôi

Đen như mực vậy!

So sánh hơn kém

Đây là loại so sánh, đối chiếu giữa 2 sự vật sự việc trong mối quan hệ hơn kém để từ đó làm nổi bật các đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng còn lại.

Các từ so sánh hơn kém thường là: hơn, hơn là, kém hơn, kém gì…

vi-du-ve-so-sanh-hon-kem
Ví dụ về so sánh hơn kém

Ví dụ:

  • Bóng Bác cao lồng lộng/Ấm hơn ngọn lửa hồng
  • Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

Các phép so sánh thường dùng

Trong Văn chương và cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường dùng các phép so sánh như:

  • So sánh sự vật này với sự vật khác: Đây là cách so sánh thông dụng nhất. Nó được dùng để đối chiếu sự vật này với sự vật khác dựa trên các nét tương đồng.
  • So sánh sự vật với con người hoặc ngược lại: Cách so sánh này thường dựa trên những nét tương đồng giữa sự vật với phẩm chất của con người. Tác dụng của cách so sánh là làm nổi bật phẩm chất của con người. Ví dụ: Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
  • So sánh âm thanh với âm thanh: Là kiểu so sánh dựa trên sự giống nhau về đặc điểm âm thanh này với âm thanh kia. Ví dụ: Tiếng chim hót líu lo như tiếng sáo du dương.

Ví dụ về biện pháp so sánh

Một số ví dụ về phép so sánh giúp bạn hiểu rõ hơn về biện pháp tu từ này như sau:

  • Sông ngòi vùng Cà Mau chằng chịt hệt như mạng nhện
  • Hoa hồng thơm hơn hoa cúc
  • Tiếng suối trong như tiếng hát xa
  • Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
  • Chân anh tựa như cột đình vậy, vô cùng vững chắc.

Sử dụng phép so sánh cần lưu ý

Muốn vận dụng hết hiệu quả của phép so sánh bạn cần phân biệt được phép so sánh tu từ và so sánh thông thường.

  • Phép so sánh thông thường: Có giá trị thông báo về mặt nhận thức và không mang lại hiệu quả về mặt biểu cảm. Ví dụ: Quất không chua bằng chanh
  • Phép so sánh tu từ: Thường sẽ làm cho đối tượng được so sánh trở nên hấp dẫn, sinh động và tăng tính biểu cảm hơn. Ví dụ: Đôi khi bạn sẽ thấy đời còn chua hơn chanh

Hy vọng rằng, bài viết đã giúp bạn hiểu về biện pháp tu từ so sánh. Từ đó, bạn đọc có thể dễ dàng xác định phép so sánh và vận dụng chúng hiệu quả hơn trong làm văn, thơ hay giao tiếp thường ngày!