Để được nhận vào một vị trí làm việc nào đó thì chắc hẳn chúng ta đều phải trải qua quá trình phỏng vấn online hoặc offline. Vậy phỏng vấn là gì và trả lời phỏng vấn là gì? Làm cách nào để ứng viên tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng? 

Phỏng vấn là gì?

Phỏng vấn là quá trình trao đổi thông tin có chủ đích mà cụ thể ở đây là quá trình hỏi và trả lời giữa 2 hay nhiều người. Mục đích của buổi phỏng vấn là để người phỏng vấn có thể khai thác được các thông tin mà mình muốn một cách trực tiếp từ người được phỏng vấn.

 phong-van-la-gi
Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

Phỏng vấn tuyển dụng chính là hình thức vấn đáp trực tiếp hoặc gián tiếp giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Mục đích là để lựa chọn những ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp. 

Thông qua việc phỏng vấn nhà tuyển dụng có thể xem xét cũng như đánh giá về năng lực làm việc, thái độ ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống… và mức độ phù hợp với yêu cầu công việc để đưa ra quyết định tuyển dụng sao cho phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, việc phỏng vấn cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với ứng viên. Bởi nó chính là cơ hội để ứng viên thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình. Từ đó gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng cũng như tạo ra sự nổi bật so với những ứng viên khác, chinh phục được công việc mơ ước của mình.

Những lưu ý khi phỏng vấn và trả lời phỏng vấn xin việc

  • Tìm hiểu kỹ về công ty bạn ứng tuyển 

Dù bạn ứng tuyển ở bất kỳ vị trí nào thì bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về công ty thông qua những thông tin trên website, Google hoặc từ những người quen đã và đang làm việc tại đó. Điều này sẽ giúp bạn xác định được môi trường công ty có phù hợp với bản thân hay không. Bên cạnh đó, việc bạn hiểu rõ về công ty cũng là một điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Họ sẽ đánh giá bạn là người thật sự nghiêm túc khi ứng tuyển vào làm việc tại công ty.

  • Tập luyện trước buổi phỏng vấn
kinh-nghiem-phong-van-la-gi
Tập luyện trước khi phỏng vấn

Dù bạn giỏi đến đâu mà không có sự luyện tập trước thì rất có thể sẽ lúng túng khi gặp phải các tình huống bất ngờ. Vì vậy hãy chú ý tổng hợp lại những thông tin cơ bản về bản thân, xem lại các câu hỏi phỏng vấn thường gặp. Sau đó hãy tự luyện tập cách trả lời để có thể tự tin hơn khi phỏng vấn thật.

  • Đến phỏng vấn đúng giờ

Nguyên tắc về giờ giấc là rất quan trọng trong mọi việc chứ không riêng đối với buổi phỏng vấn. Bạn nên đến nơi phỏng vấn sớm hơn khoảng 15 – 20 phút đối với các cuộc phỏng vấn offline và tham gia cuộc gọi sớm hơn 10 – 15 phút đối với phỏng vấn online.

Trong trường hợp bạn có việc đột xuất thì bạn nên sắp xếp và cố gắng đến đúng giờ. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn vẫn là đến sớm để chuẩn bị tinh thần và phòng ngừa những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

  • Trang phục phỏng vấn gọn gàng, chuyên nghiệp
kinh-nghiem-phong-van-can-gi
Trang phục phỏng vấn gọn gàng

Đi phỏng vấn mặc gì? Ngoại hình và trang phục là điều đầu tiên có thể gây ấn tượng đối với các nhà tuyển dụng khi bạn bước vào buổi phỏng vấn. Vì vậy bạn hãy chọn cho mình những trang phục phù hợp, không cần quá trang trọng nhưng cũng phải lịch sự và chỉn chu.

Các bạn nữ thì nên chọn phong cách trang điểm nhẹ nhàng, kiểu tóc gọn gàng. Còn đối với các bạn nam thì cũng nên chọn kiểu tóc đẹp, gọn gàng để làm nổi bật gương mặt của mình.

  • Giao tiếp nhẹ nhàng, khéo léo

Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rất cao đối với các ứng viên có khả năng giao tiếp tốt và linh hoạt. Vì vậy hãy cố gắng luyện tập cho mình cách ăn nói khéo léo, tinh tế và trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách linh hoạt, ứng biến nhanh trong mọi tình huống được đưa ra. Điều này sẽ giúp bạn có thể ghi điểm tốt đối với nhà tuyển dụng, tăng cơ hội trúng tuyển.

  • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
kinh-nghiem-phong-van-ngon-ngu
Kết hợp ngôn ngữ cơ thể linh hoạt khi phỏng vấn

Ngôn ngữ cơ thể nhiều khi có thể truyền tải được những cảm xúc và thông tin hơn cả những lời nói. Chính vì vậy trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường để ý rất kỹ từng cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất của ứng viên để thông qua đơ hiểu hơn về tính cách và con người họ. 

Vì vậy bạn cần phải tập cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể của mình một cách tinh tế, cẩn thận. Đặc biệt là chú ý từng lời nói, cử chỉ nhỏ nhất của bản thân khi tham gia phỏng vấn.

  • Lắng nghe chia sẻ của nhà tuyển dụng

Những lời chia sẻ của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về vị trí, công việc và môi trường làm việc của công ty. 

Bên cạnh đó, những lời góp ý của họ cũng sẽ giúp bạn nhận ra được những điều bản thân còn thiếu sót và cần cải thiện. Vì vậy, hãy lắng nghe và tiếp nhận nó một cách lịch sự. Kỹ năng lắng nghe cũng là một điều mà nhà tuyển dụng rất muốn thấy ở một ứng viên.

  • Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
kinh-nghiem-phong-van
Ứng viên chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Trong một buổi phỏng vấn thì không chỉ có nhà tuyển dụng đặt câu hỏi một chiều mà bạn cũng có thể đặt ra các câu hỏi cho nhà tuyển dụng. 

Bạn hãy chú ý đến các thông tin mà nhà tuyển dụng cung cấp và nếu có thắc mắc thì nên mạnh dạn hỏi để được giải đáp ngay. Nhà tuyển dụng thường sẽ đánh giá khá cao các ứng viên chủ động đặt câu hỏi cho họ bởi đó là những người mạnh dạn và thực sự chú ý cũng như hiểu các vấn đề mà hai bên đã trao đổi.

  • Thái độ thẳng thắn, tự tin

Mặc dù bạn không có kiến thức chuyên môn quá giỏi hay bảng thành tích vượt trội nhưng sự tự tin sẽ giúp cho bạn lấy được điểm từ nhà tuyển dụng. Bạn không nên rụt rè, ngại ngùng mà hãy thật thẳng thắn và tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân, thể hiện tính cách của bản thân mình. Điều này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng có thể cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực và hiểu rõ hơn về bạn.

  • Trả lời thành thật

Sự trung thực là một trong những yếu tố quan trọng mà nhà tuyển dụng đánh giá cao ở mỗi ứng viên. Bạn hãy cứ là chính mình cũng như trả lời thành thật những gì mà mình có, những gì mà mình biết. Đôi khi điều đó khiến bạn không quá nổi bật nhưng nó còn tốt hơn là câu trả lời thiếu trung thực.

Bởi những nhà tuyển dụng có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhận ra khi ứng viên trả lời không thật lòng. Và điều đó sẽ khiến bạn bị trừ điểm, không được đánh giá cao trong mắt nhà tuyển dụng.

  • Theo dõi kết quả phỏng vấn
theo-doi-phong-van
Chú ý theo dõi kết quả phỏng vấn

Dù bạn cảm thấy mình có thể hiện tốt hay không trong buổi phỏng vấn thì cũng hãy theo dõi thường xuyên điện thoại, email để nhận được thông báo từ nhà tuyển dụng. Tránh trường hợp hồi âm trễ sẽ gây khó khăn và mất thời gian trong công tác tuyển dụng nhé.

Một số cách phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thông minh

Câu 1: Bạn hãy giới thiệu qua về bản thân mình?

Đây thường là câu hỏi mở đầu cho buổi phỏng vấn. Khi trả lời phỏng vấn thì bạn chỉ nên giới thiệu ngắn gọn về tên, tuổi, tốt nghiệp trường nào… bởi đây là những thông tin mà trong CV đã có sẵn rồi. Điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe chính là những thông tin mới mà bạn không thể hiện trong CV. Do đó, hãy tập trung thời gian để nói nhiều hơn về những kinh nghiệm mình đã học được, những thành quả mà mình làm ra… để cho người phỏng vấn thấy được bạn có năng lực đến đâu.

Câu 2: Sở thích của bạn là gì?

Thông qua sở thích của một người mà người ta có thể đoán được phần nào tính cách của họ. Vì vậy, hãy cân nhắc đến những sở thích lành mạnh như công việc xã hội, thể thao… để nhà tuyển dụng có thể thấy được bạn là một người sống có khoa học. 

Để cho câu trả lời thêm trọn vẹn thì bạn nên để những sở thích có liên quan đến công việc lên trên để tạo ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng.

Câu 3: Hãy dùng 3 từ để nói về bản thân bạn?

Với câu hỏi này thì bạn cần tư duy thật nhanh về các yếu tố khiến bản thân trở nên nổi bật hơn trong mắt mọi người hay những điều tốt đẹp mà người khác thường nói về bạn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là bạn phải luôn là chính mình, hãy trung thực với mọi câu hỏi của nhà tuyển dụng.

Câu 4: Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân?

Bạn nên tóm tắt ngắn gọn những ưu điểm của bản thân và chắc chắn phải có những ưu điểm phù hợp với công việc để khả tăng năng trúng tuyển cao hơn.

Đối với những điểm yếu thì bạn cũng hãy mạnh dạn trả lời những điểm yếu của bản thân mình cho nhà tuyển dụng biết. Tuy nhiên hãy nhớ kèm theo những giải pháp khắc phục và cũng nên nói cho họ biết rằng với giải pháp này thì bạn đã cải thiện được bao nhiêu phần trăm rồi. Như vậy thì người phỏng vấn sẽ đánh giá được rằng bạn là người biết nhìn nhận lại và khắc phục những thiếu sót của bản thân.

Câu 5: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?

Để trả lời tốt câu hỏi này thì bạn nên tìm hiểu trước về mục tiêu, sứ mệnh của công ty trước khi đi phỏng vấn. Từ đó đưa ra những mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của bản thân sao cho phù hợp nhất với công ty.

Bạn cũng cần lưu ý là những mục tiêu kể đến phải có thể đạt được với năng lực của bản thân của bạn chứ nó không nên quá xa vời.

Câu 6: Các thành tích đã đạt được trong công việc?

Để câu trả lời thêm hay và có “trọng lượng” hơn thì bạn hãy nhớ kèm theo những số liệu để chúng minh nhé.

Ngoài việc khoe những thành tích mà mình đạt được thì bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết cảm xúc của bạn khi đạt được nó cũng như những bài học rút ra từ các dự án đó. Nhà tuyển dụng có thể căn cứ vào câu hỏi này để thấy được sự tâm huyết của bạn với công việc và từ đó sẽ có cái nhìn tích cực hơn về bạn.

Câu 7: Kể về một câu chuyện của bản thân khiến bạn tự hào?

Đối với câu hỏi này thì nhà tuyển dụng quan tâm đến tính trung thực của câu chuyện cũng như khả năng xử lý tình huống của bạn hơn là kết quả mà bạn đạt được. Vì vậy, bạn có thể kể những câu chuyện có liên quan đến công việc mà bạn sắp làm, về một dự án nào đó mà bạn đóng vai trò quan trọng, về những khó khăn mà bạn gặp phải trong dự án đó… Và điều quan trọng là bạn đã làm thế nào để có thể khắc phục được những khó khăn đó. Đừng quên nhắc đến những lợi ích mà bạn đã mang lại cho công ty nhé.

Câu 8: Bạn mong muốn gì ở công ty?

Với câu hỏi này thì bạn hãy thẳng thắn nói lên những nguyện vọng của mình, những thắc mắc của bạn về công việc, về quyền lợi hay những đãi ngộ của công ty. Bởi mục đích của câu hỏi này là để nhà tuyển dụng có thể tìm ra được một ứng viên phù hợp với đặc thù tính chất công việc cũng như phù hợp với ngân sách và chế độ đãi ngộ của công ty.

Câu 9: Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?

Đây là câu hỏi khá nhạy cảm bởi nó liên quan đến “tiền bạc” nhưng chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi trong buổi phỏng vấn. Nếu nhỡ nói cao quá thì sợ sẽ bị loại. Còn nói thấp quá thì lại cảm thấy bị thiệt thòi hoặc có thể gây hiểu lầm cho nhà tuyển dụng về trình độ chuyên môn của bạn. 

Vì vậy, tốt nhất là trước khi đến phỏng vấn thì bạn nên tìm hiểu kỹ về vị trí này có lương bao nhiêu trên mặt bằng chung. Sau đó, dựa vào năng lực bản thân và những thứ bạn có thể làm được cho công ty để cân nhắc mức lương cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt bằng chung đó.

Câu 10: Tại sao bạn lại lựa chọn công ty chúng tôi?

Đối với câu hỏi này thì bạn nên thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được tinh thần học hỏi cũng như mong muốn được phát triển bản thân tại công ty. Ngoài ra thì bạn cũng có thể nói rằng cảm thấy những định hướng phát triển của công ty phù hợp với những dự định sắp tới của bản thân… 

Câu 11: Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Bạn nên đặt ra những câu hỏi mà bản thân còn thắc mắc về công việc, về đãi ngộ hay về cả tiền lương của mình. 

Nếu như không còn câu hỏi nào thì bạn có thể hỏi về văn hóa hay môi trường làm việc của doanh nghiệp để xem nó có thực sự phù hợp với bản thân không.

Trên đây là một số kinh nghiệm liên quan đến việc phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Bên cạnh những câu hỏi trên thì còn có rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra trong buổi phỏng vấn và có thể bạn sẽ phải trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh. Hãy chú ý lắng nghe và linh hoạt trong các câu trả lời để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhé!